Nghịch cảnh không phải bất hạnh

2020-08-15 07:49:19 | 973 lượt xem | Kiến Thức Câu Chuyện Thành Công

 

Học cách nhìn ra cơ hội trong nghịch cảnh đã giúp các nhà lãnh đạo suy nghĩ, học hỏi và phát triển bản thân. Khi bạn khám phá ra những điều cản đường bạn thực chất chính là những điều giúp tôi luyện, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Năm 2008, cũng như tất cả các doanh nghiệp khác, công ty JPMorgan Chase do Jamie Dimon làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính lớn chưa từng có. Không một ai có thể đoán định được tương lai của ngành tài chính hay nền kinh tế nước Mỹ sẽ đi về đâu...

Indra Nooyi, chủ tịch và giám đốc điều hành của PepsiCo, từ năm 23 tuổi đã rời xa quê hương Ấn Độ sang Mỹ học tập và làm việc. Tại đây, bà luôn cảm thấy giống như một "con cá bị tách ra khỏi nước", phải vất vả thích nghi với môi trường mới …

Brian Cornell, chủ tịch và giám đốc điều hành của Target, đã có một tuổi thơ không hề trọn vẹn. Mất đi người cha khi Brian còn rất bé, vì vậy ông đã phải làm rất nhiều công việc để kiếm sống…

Và Cựu CEO của nhãn hiệu Yum. Ông đã lớn lên trong các nhà ở di động, và được thừa hưởng một nền giáo dục cũng “du mục” không kém …

Ở họ có điểm gì chung? Với họ, nghịch cảnh là một loại tài sản, là lợi thế cạnh tranh bởi vì họ lựa chọn kiên trì và học hỏi tất cả mọi thứ từ nghịch cảnh đó. Và đó là cách họ thành công.

 

1. Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon và bài toán quản trị khủng hoảng

Năm 2008, Dimon đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng, đe dọa toàn bộ công ty và toàn bộ nước Mỹ. Trong thời gian đó, ông phải chịu rất nhiều áp lực về trách nhiệm cân bằng rủi ro giữa việc nó sẽ tác động như thế nào đến JPMorgan Chase và nước Mỹ.

Khi đối mặt với nghịch cảnh này, "những gì tôi đã cố gắng làm là đảm bảo khủng hoảng không gây thiệt hại nghiêm trọng cho JPMorgan", Dimon nói.

Dimon đã học được một số bài học quan trọng trong thời gian này. Ông cho biết: "Bạn phải có quá trình chuẩn bị tại chỗ trước khi cuộc khủng hoảng ập tới. Bạn không thể bắt đầu một cuộc chiến mà không có quân đội. Chúng tôi đã thực hiện một loạt các báo cáo khắt khe, kỷ luật và rất chi tiết để nắm bắt được xu hướng tình hình tài chính”. 

Được biết, trong giai đoạn khủng hoảng 2008, Dimon đã hủy bỏ hầu hết các chuyến đi xa. Ông dành nhiều thời gian bên bàn làm việc của mình để đảm bảo công việc vẫn diễn ra bình thường và có thể xử lí kịp thời các sự cố ngoài ý muốn.

Dimon đã được giới doanh nghiệp ca ngợi hết lời cho sự lãnh đạo tài tình của ông trong cơn khủng hoảng. Một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của ông là việc mua lại Bear Sterns với giá kinh ngạc chỉ 2 USD/cổ phiếu. 

“Tôi đã gọi cho một loạt các nhà lãnh đạo của chúng tôi trên khắp đất nước vào lúc 10h đêm ngày thứ năm. Bear Sterns có thể thất bại, và chúng tôi sẽ cố gắng để cứu nó vào cuối tuần. Lúc đó, có hàng trăm nhân viên của JPMorgan đi làm vào thứ bảy. Và đêm tiếp theo, là hàng ngàn người”, Dimon hồi tưởng lại. Đó cũng chính là câu chuyện thành công của ông chủ JPMorgan, một câu chuyện vượt lên nghịch cảnh đáng để học hỏi.

 

2. Giám đốc điều hành PepsiCo Indra Nooyi và câu chuyện sốc văn hóa

Việc chuyển từ Ấn Độ sang Mỹ khi Indra Nooyi theo học Trường Quản lý Yale đã tạo ra nhiều thách thức đối với cô. Môi trường thay đổi, mọi thứ đều khác biệt khiến cho cô mất khá nhiều thời gian và quyết tâm để thích nghi với nước Mỹ.

"Khi tôi đến Mỹ, cảm xúc đầu tiên ùa đến với tôi là sự cô đơn”, Nooyi nói, “bởi vì trước đây tôi chưa từng ra nước ngoài. Và bạn biết đó, tôi phải mất một thời gian để làm quen với mọi thứ. Tôi là người ăn chay. Mà tại thời điểm đó, tôi không biết làm thế nào để tìm ra đồ ăn chay ở New Haven. Những tuần đầu tiên thật đáng sợ. Tôi muốn nhảy lên máy bay và quay trở lại Ấn Độ ngay lập tức.”

Nhưng rồi, cảm giác bỡ ngỡ những ngày đầu đặt chân lên nước Mỹ dần biến mất. Từng chút một, các sinh viên quốc tế ở Yale đã xây dựng nên một môi trường đa văn hóa. Chỉ ngay trong tháng đầu tiên, Nooyi đã quen với môi trường mới và trở thành một “người Mỹ” thực thụ.

Một cách kết nối khác mà Nooyi học được đó là thông qua bóng chày. Cô chia sẻ: "Tôi từng chơi cricket khi tôi ở Ấn Độ. Khi đến Mỹ, tôi phải tham gia hoặc là học hoặc là cổ vũ một môn thể thao bắt buộc. Đó là năm 1978, năm mà đội bóng chày thắng lớn. Vì vậy, tôi ngồi thường trong phòng ký túc xá và phòng sinh hoạt chung nghe những người bạn khác giải thích về bóng chày. Tôi đã yêu Yankees và mối tình đó kéo dài đến tận bây giờ.”

Học cách yêu Yankees cũng như bóng chày đã giúp Nooyi "hòa nhập" và kết nối với những người khác. Khi đến chuyển đến một môi trường mới, cô lựa chọn yêu lấy những nét văn hóa của môi trường đó để tập thích nghi và gắn bó. Vì vậy, với Nooyi, nghịch cảnh cũng là cơ hội để cô tôi luyện và bén duyên với sự nghiệp kinh doanh.

 

3. Giám đốc điều hành Target, Brian Cornell: Đi lên từ tuổi thơ bất hạnh

Nếu chỉ nhìn vào nền tảng của Cornell chẳng ai có thể nghĩ ông có thể trở thành CEO. Cornell lớn lên với một hoàn cảnh thực sự khó khăn: cha mất sớm, mẹ thì ốm đau liên tục. Ngay từ thuở bé, ông đã phải làm nhiều công việc để mưu sinh từ cắt cỏ, xúc tuyết đến rửa xe tải thuê. Vì vậy, khi nhìn lại quãng đời thơ ấu của ông, nhiều người chắc chắn sẽ thốt lên rằng: “Chẳng có tương lai nào cho chàng trai này.”

Brian Cornell chia sẻ: “Ngay từ thuở nhỏ tôi đã sớm nhận ra chỉ có 3 cách để gạt bỏ hoàn cảnh mà tiến về phía trước. Đó là:

- Ở trường học, điểm số là thước đo đánh giá. Không ai quan tâm bố tôi là ai hay tôi có bao nhiêu tiền.

- Trong thể thao, người ta cũng chỉ quan tâm đến hiệu suất ghi bàn.

- Tại nơi làm việc, năng lực quyết định bạn là ai.

Mọi sân chơi là bình đẳng. Vì thế tôi không còn cảm thấy tiếc cho bản thân mình vì những năm đầu đời khốn khó”.

Kể từ đó, Cornell làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết và tận dụng mọi cơ hội. Ông cho biết đó không phải là một con đường kì diệu, bằng phẳng mà đầy chông gai. Nhưng sau cùng Cornell đã thành công. Bởi thay vì than thân trách phận cho hoàn cảnh không may mắn của bản thân, ông quyết tâm biến nghịch cảnh thành lợi thế.

 

4. Và cuối cùng là câu chuyện của tôi: “Tuổi thơ du mục” bên những căn nhà di dộng

Hãy để tôi kết thúc bằng chính câu chuyện của tôi. Vì tính chất công việc của bố tôi, gia đình tôi phải sống trong một chiếc xe kéo và di chuyển liên tục ba tháng một lần. Mặc dù tại thời điểm đó tôi chưa nhận ra nhưng chính những lần di chuyển đó, tôi học được rất nhiều điểu bổ ích và tôi luyện nên con người CEO của hôm nay.

Một nghịch cảnh lớn mà tôi phải đối mặt là mỗi lần “chuyển nhà”, tôi lại phải làm quen lại với những đứa trẻ ở chỗ mới. Mẹ tôi luôn khuyến khích tôi chủ động làm quen với những người bạn tại mỗi thị trấn nhỏ nơi gia đình tôi chuyển đến.

Nhờ vậy tôi nhanh chóng học được cách đánh giá con người: Những ai là người tốt và những ai cần tránh xa. Kỹ năng này đã trở thành một lợi thế lớn khi tôi đảm nhận vai trò CEO sau này. Và ở đây, nghịch cảnh cũng đã rèn giũa cho tôi một lợi thế hơn người.

Bạn có đang gặp khó khăn trong cuộc sống? Đừng quá lo lắng về điều đó. Vì nghịch cảnh cũng có thể trở thành lợi thế của bạn nếu bạn chọn kiên trì và học hỏi từ những thử thách mà bạn gặp phải. Tương lai nằm cả trong tay bạn!

Nguồn: Thời đại/CNBC

ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ MIỄN PHÍ PHẦN MỀM QUẢN LÝ BÁN HÀNG ĐA KÊNH (FANPAGE, SÀN TMĐT), QUẢN LÝ TỒN KHO.