SÀN TMĐT: Mô hình nào cho người mới bắt đầu

2020-09-18 09:43:02 | 593 lượt xem | Kiến Thức Câu Chuyện Thành Công Kinh nghiệm kinh doanh

Sàn TMĐT phát triển mở ra cơ hội cho rất nhiều người bán hàng online, nhất là trong thời kỳ FB ngày càng khoai, và Covid hoành hành. Tuy nhiên, rất nhiều người mới loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu. Vậy nên hôm nay mình xin phép chia sẻ một số mô hình để anh em có thể dễ hình dung và lựa chọn khi bắt đầu.

1. Dành cho cá nhân

1.1 Dropshipping

Thường chúng ta chỉ nghe đến mô hình này như một hình thức kiếm tiền online (MMO) qua Ebay và Ali. Tuy nhiên để làm sàn tại Việt Nam anh em hoàn toàn có thể Drop được.

Bạn có thể tìm các kho hàng lớn hoặc các shop bán tốt trên shopee và hỏi kênh Drop của shop. Như bên mình có sản phẩm lên top là y rằng sẽ có nhiều bạn inbox hỏi. Nếu shop có cho Drop thì bạn sẽ hỏi shop xem chính sách như thế nào, bạn được chiết khấu bao nhiêu phần trăm so với giá đang bán, quy định giá bán như thế nào (cái này bạn và shop thỏa thuận). Nếu ok thì bạn nhận ảnh và đăng sản phẩm lên shop của bạn. Bạn sẽ đăng lên với một mức giá cao hơn và tìm cách marketing để có đơn hàng. Bạn cài địa chỉ kho gửi là ở địa chỉ của shop kia và địa chỉ trả hàng là địa chỉ của bạn. Khi có đơn hàng, bạn gửi file in qua, chuyển khoản tiền đơn hàng cho họ (tùy bạn thỏa thuận), họ sẽ in và đóng cho bạn luôn.

Hoặc có mô hình Drop khá chuyên nghiệp của bên Netsale, các bạn có thể tham khảo.

Ưu điểm:

- Vốn ít.

- Tránh rủi ro tồn đọng, phải ôm hàng.

- Chỉ cần marketing, khâu đóng hàng bên kia cũng làm luôn.

Nhược điểm:

- Khó cạnh tranh (nghĩ đơn giản là bạn phải cạnh tranh với chính shop đó trong khi shop đó đã lớn rồi 😃) vì phải bán giá cao hơn mới có lãi.

- Phụ thuộc vào shop kia (Nếu shop kia hết hàng mà bạn không có thông tin -> không gửi được hàng cho khách -> ăn tạ của Shopee)

1.2 Bán hàng Order

Phần lớn anh chị em làm order đang chủ yếu cố đăng thật nhiều bài trên facebook cá nhân mà không biết rằng chúng vô tình gây khó chịu cho bạn bè trong list friends. Dần dần facebook sẽ hiểu những nội dung mà bạn đăng mang lại trải nghiệm ko bổ ích cho bạn bè của bạn và sẽ giảm reach dần các bài của bạn.

Vậy thì lối đi nào cho các bạn đang làm order. Câu trả lời là Shopee (anh em nào làm FB có thể nghiên cứu làm Marketplace, cũng rất hiệu quả nhé). Mình đang có 2 người em làm mô hình này, và đứng top shop order trên Shopee.

Cách làm rất đơn giản. Bạn cố gắng tìm những sản phẩm đẹp trên Taobao hoặc các nguồn khác mà các bạn có (US Châu Âu Hàn Nhật), sau đó đăng trên shop mình và build cái shop thật chuyên nghiệp (có hình ảnh đẹp từ taobao, setup các công cụ marketing, khuyến mãi). Lưu ý khi đăng sản phẩm có chế độ HÀNG ĐẶT TRƯỚC (các bạn nhớ tích vào) và điền số ngày các bạn có thể chuẩn bị hàng (Min 7 ngày, Max 30 ngày - thoải mái luôn đúng không các bạn). Sau đó bạn sẽ dùng Facebook, Insta, Tiktok, ... để marketing và kéo traffic về shop trong thời gian đầu. Sau khi có đơn hàng bạn tiến hành order từ bên trung quốc về, tầm 4-7 ngày là hàng về rồi. Nên gọi cho khách khi khách đặt đơn hàng để xác nhận và thông báo khách thời gian mình gửi hàng đi. Và khi hàng về nhắn lại cho khách 1 lần nữa để khách nhớ lịch và nhận hàng (vì thời gian tương đối lâu). Sau một thời gian khi có lượng đơn hàng và traffic ổn định bạn sẽ lên top và tự có traffic tự nhiên.

Ưu điểm:

- Vốn ít

- Giảm rủi ro phải ôm nhiều hàng dẫn đến tồn hàng

Nhược điểm:

- Phụ thuộc vào biên (lỡ biên chậm biên tắc không có hàng gửi thì ảnh hưởng đến chỉ số vận hành - ăn tạ)

- Thường phải gom đơn hàng của 1 đợt nhiều nhiều khách để order 1 lần đỡ phí thanh toán hộ.

- Khó quản lý (Hàng về phải mở ra kiểm và phân biệt từng mã hàng một rồi tìm đơn khách đặt khớp tương ứng trong một khoảng thời gian dài trước đó nên tương đối mất thời gian)

-Rủi ro bị khách bom hàng thì giời gian lâu

1.3 Tự nhập hàng

Cách này đang là khách đa số anh em đang làm. Tìm hàng trên 1688 rồi nhập tiểu ngạch về và đăng bán trên Shopee. Giá nhập rơi vào 15 - 20k/ kg. Anh em nào làm bài bản, build shop chuyên nghiệp, và quan trọng là chọn sản phẩm tốt, ít cạnh tranh thì vẫn có cửa để làm. Tuy nhiên bạn cần phải làm hộ kinh doanh cá thể/ giấy phép kinh doanh và làm đc giấy tờ chứng minh hàng hóa có đầu vào để tránh phiền toán khi bị dòm ngó đến.

Ưu điểm:

- Chủ động hơn về hàng hóa

Nhược điểm:

- Cần nhiều vốn hơn

- Rủi ro về Quản lí thị trường, Công an kinh tế ghé thăm

2. Doanh nghiệp

2.1 Mô hình nhà phân phối

Nếu bạn là nhà phân phối của hãng thì bạn sẽ có chứng nhận đại lý/ hợp đồng phân phối, từ đó bạn có thể xin xét duyệt lên gian hàng Mall hoặc làm Tiki được. Thường với mô hình này anh em sẽ chọn một Brand đã có thương hiệu và chất lượng trên thị trường, khi phân phối lại sẽ tận dụng được thương hiệu có sẵn, tiết kiệm phần nào chi phí marketing.

Ưu điểm:

- Cơ hội lên Mall với nhiều quyền lợi, bán Tiki, ...

- Hàng chính hãng. Có giấy tờ nguồn gốc hàng hóa đầy đủ

Nhược điểm:

- Vấp phải sự cạnh tranh từ chính các nhà phân phối khác (điển hình trên Tiki trong cùng 1 link sản phẩm sẽ có rất nhiều nhà phân phối bán và cạnh tranh nhau về giá) hoặc chính với hãng (nhiều hãng bây giờ cũng muốn làm sàn để làm thương hiệu, cái này bạn cần để ý điều khoản khi deal hợp đồng)

2.2 Mô hình nhà phân phối độc quyền

Giống mô hình nhà phân phối. Chỉ khác là nếu bạn ký độc quyền được việc phân phối brand đó tại thị trường Việt Nam thì bạn không phải lo cạnh tranh. Có rất nhiều cách tìm, bạn có thể lên Tmall tìm hoặc đi các hội chợ bên Trung Quốc để tìm các nhà sản xuất tốt, uy tín mà chưa làm tại Việt Nam để xin phân phối độc quyền. Các nhà sản xuất bên Trung hàng vẫn rất đảm bảo bạn yên tâm nhé.

Ưu điểm:

- Lên Mall dễ dàng hơn

- Độc quyền không sợ cạnh tranh với các nhà phân phối khác

- Có giấy tờ, hóa đơn đầu vào đầy đủ

Nhược điểm:

- Thường bạn sẽ chọn brand mới chưa làm tại Việt Nam nên sẽ cần mất một khoảng thời gian đầu và chi phí Marketing lớn để tăng độ phủ thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến với khách hàng.

2.3 Mô hình nhà sản xuất

Một số cá mập lớn trên sàn đang làm mô hình này. Bạn sẽ lo về cả đầu vào. Lúc này bạn cần quản trị sản xuất nữa. Từ nguyên vật liệu, tìm nơi gia công lắp ráp, kho bãi lớn, ... Bạn sẽ đăng ký nhãn hiệu với cục sở hữu trí tuệ, và sau đó đăng ký lên Mall, đẩy vào Tiki, .. để bán. Nếu bạn làm Marketing tốt và quản trị sản xuất giỏi thì mô hình này sẽ hái ra rất nhiều tiền (Vì khách thì thích chính hãng, Mall, xu hướng của sàn là bán hàng chất lượng nhưng giá phải rẻ, vì vậy nếu tự sản xuất bạn sẽ tối ưu được giá vốn đầu vào).

Hoặc bạn có thể thuê gia công OEM nhà máy bên Trung Quốc thì rất khỏe, tối ưu được khâu quản trị sản xuất. Bạn chỉ tìm mẫu thiết kế, hoặc lấy đúng thiết kế của các sản phẩm tốt bên Trung Quốc rồi đặt hàng nhà máy đó gia công, gắn thương hiệu của bạn vào.

Ưu điểm:

- Lên Mall dễ dàng, bán Tiki tốt

- Một mình một Brand, đỡ phải cạnh tranh

- Tối ưu được giá đầu vào của sản phẩm

- Chủ động được về giấy tờ hóa đơn hàng hóa

Nhược điểm:

- Đương nhiên rồi, chi phí sẽ rất lớn

- Rủi ro hàng tồn cao

Trên đây là một số mô hình để anh em có thể nghiên cứu và lựa chọn khi bắt đầu lên sàn. Tùy theo nguồn lực của mỗi người, tuy nhiên dù ít hay là nhiều vẫn có thể làm được, quan trọng vẫn là khả năng tìm sản phẩm và tối ưu marketing của anh em.

 

                                                                                 - Source: Thái Khắc Hưng - ECOMME GROUP

ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ MIỄN PHÍ PHẦN MỀM QUẢN LÝ BÁN HÀNG ĐA KÊNH (FANPAGE, SÀN TMĐT), QUẢN LÝ TỒN KHO.

tin nổi bật
Sản phẩm của Abit